Các bang của Canada: Chi tiết 10 bang và 3 vùng lãnh thổ

Canada có diện tịch lớn thứ hai trên thế giới, nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ và có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp. Với sự đa dạng sắc tộc và văn hóa do tiếp nhận người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, Canada thực sự là một quốc gia đa nguyên văn hóa. Vậy Canada có bao nhiêu tỉnh bang và vùng lãnh thổ? Hãy cùng CVT khám phá những đặc điểm nổi bật của từng tỉnh bang và vùng lãnh thổ Canada qua bài viết bên dưới nhé.

Canada gồm 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ: Alberta, British Columbia, Nova Scotia, Saskatchewan, Manitoba, Ontario, New Brunswick, Quebec, Prince Edward Island, Newfoundland and Labrador, Yukon, Nunavut và Northwest Territories.

Thủ đô của Canada là Ottawa. Quốc gia này có diện tích 9.071.595 km² và dân số khoảng 38 triệu người (theo số liệu Liên Hợp Quốc ngày 28/05/2021). Đồng tiền chính thức là đô la Canada (CAD). Về múi giờ, Canada trải dài từ UTC−3.5 đến −8 vào mùa đông và từ UTC−2.5 đến −7 vào mùa hè.

Tỉnh bang Alberta

Alberta là tỉnh bang nằm ở phía Tây Canada, với dân số trên 4 triệu người, tỉnh bang có dân số nhiều đứng thứ 4 của Canada. Alberta giáp phía Tây British Columbia, phía Đông Saskatchewan, phía Bắc Northwest Territories và phía Nam bang Montana của Mỹ.

Thủ phủ của Alberta là thành phố Edmonton, gần trung tâm địa lý của tỉnh và là nguồn cung cấp dầu thô, dầu cát chính cho Canada. Thành phố lớn nhất của Alberta là Calgary, cách phía Nam Edmonton 290 km. Dân cư chủ yếu tập trung ở hai thành phố này, mỗi nơi có hơn 1 triệu dân.

Alberta có tỷ lệ tội phạm thấp nên các thành phố của Alberta luôn nằm trong danh sách những nơi đáng sống nhất Canada. Alberta còn nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp cùng với dãy núi Rocky hùng vỹ.

Hệ thống giáo dục của Alberta rất phát triển, từ mẫu giáo đến bậc đại học. Ở Canada, tất cả công dân dưới 20 tuổi được đi học miễn phí cho đến hết phổ thông. Ngoài các trường công lập, Alberta còn có các trường tư thục, trường dạy bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.

Tỉnh bang British Columbia

British Columbia (BC) là tỉnh bang nằm ở phía Tây Canada, giáp biển Thái Bình Dương, nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, British Columbia có đến 6 công viên quốc gia. Tỉnh này có hơn 4.6 triệu người cư trú, với diện tích rộng bằng ba nước Pháp, Đức và Hà Lan cộng lại. Phần lớn dân cư tập trung ở các thành phố lớn như Victoria và Vancouver.

Thủ phủ của BC là Victoria, nhưng thành phố đông dân nhất lại là Vancouver, thành phố lớn thứ ba của Canada với dân số khoảng 2.5 triệu người. Mỗi năm, hơn 40,000 người từ khắp nơi trên thế giới chọn BC để học tập và sinh sống. Thực tế, hơn 1/3 dân số của Vancouver là người nước ngoài nên có môi trường đa văn hóa, thân thiện và chất lượng cuộc sống cao.

BC nhiều năm liền đứng trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới. Sự kết hợp giữa cảnh đẹp thiên nhiên, cơ hội nghề nghiệp và các cộng đồng dân tộc hòa đông làm cho BC trở thành nơi lý tưởng để sinh sống và làm việc.

Đối với các sinh viên quốc tế lần đầu đến Canada, BC sẽ chào đón bạn với những con người thân thiện, hiếu khách và nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Mạng lưới hỗ trợ và cộng đồng đa dạng sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi và tận hưởng cuộc sống nơi đây.

Tỉnh bang Manitoba

Manitoba nằm ở miền Trung Canada, là nơi cư ngụ của 1.272.000 người, dân số xếp thứ 5 cả nước. Manitoba giáp phía Đông giáp Ontario, phía Tây Saskatchewan, phía Bắc Northwest Territories, phía Nam tiểu bang North Dakota và tiểu bang Minnesota của Mỹ.

Thủ phủ của Manitoba là Winnipeg, thành phố lớn nhất với dân số 780.000 người, tiếp theo là Brandon với 53.000 người. Những năm gần đây, Manitoba thu hút nhiều người nhập cư và sinh viên quốc tế, với hơn 13.000 người ngoại quốc chọn tỉnh này làm nơi định cư mỗi năm.

Manitoba hấp dẫn sinh viên quốc tế nhờ giá cả sinh hoạt rẻ. Chi phí nhà ở, điện nước, bảo hiểm và học phí tại Manitoba nằm trong số thấp nhất cả nước. Thị trường nhà đất có giá cả cạnh tranh, tạo điều kiện cho sinh viên tìm được nhà gần trường học.

Tỉnh bang Manitoba có sự đa dạng văn hóa cao, hàng năm tổ chức hàng trăm lễ hội văn hóa nhằm tôn vinh bản sắc đa sắc tộc. Người dân Manitoba nổi tiếng là cởi mở, thân thiện và hào phóng, thích tham gia tình nguyện và đóng góp cho các tổ chức từ thiện. Sinh viên quốc tế nhận được nhiều sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng trong thời gian sinh sống và làm việc tại đây.

Tỉnh bang New Brunswick

New Brunswick là tỉnh bang lớn nhất trong ba tỉnh duyên hải Canada, nằm ở phía Đông đất nước. Với khoảng 80% diện tích được bao phủ bởi rừng, nơi đây mang đến một hệ sinh thái tự nhiên phong phú. Dân số của New Brunswick là 750.000 người, chủ yếu nói tiếng Anh ở phía Nam và tiếng Pháp ở các vùng còn lại.

Nơi đây là điểm định cư lý tưởng cho những ai tìm kiếm cuộc sống yên bình bên bờ biển với vẻ đẹp cổ điển. New Brunswick nổi bật với những bờ biển xanh, mùa thu lá vàng, cùng các ngọn đồi và thung lũng tráng lệ.

Người dân New Brunswick phần lớn có tổ tiên từ Anh Quốc (bao gồm người Anh, Scotland và Ireland) hoặc Pháp. Tỷ lệ người nhập cư ở đây khá thấp, chỉ chiếm khoảng 4% dân số, thấp hơn nhiều so với Toronto, nơi gần một nửa dân số là người nhập cư. Dân số New Brunswick cũng ít thay đổi về nhân khẩu học, với các dân tộc thiểu số chiếm dưới 2% dân số.

Ba thành phố lớn nhất ở New Brunswick là Saint John, Fredericton và Moncton. Gần một nửa dân số sống trong các khu đô thị của ba thành phố này, nơi cung cấp nhiều cơ hội việc làm nhất.

Tỉnh bang Newfoundland and Labrador

Newfoundland and Labrador, tỉnh bang cực đông của Canada, nằm ở phía đông bắc Bắc Mỹ, giáp Bắc Đại Tây Dương. Tỉnh này gồm hai phần tách biệt là Newfoundland và Labrador. Dân cư ban đầu của Newfoundland and Labrador là người Basque, sau đó là người Viking cũng đến và định cư. Hiện nay, Newfoundland and Labrador có dân số khoảng 570.000 người, phần lớn là hậu duệ của người Anh và Ireland.

Bán đảo Avalon và khu vực đông bắc Newfoundland là nơi tập trung ngành thủy sản truyền thống, vẫn là khu vực đông dân nhất. St. John’s là trung tâm thương mại lịch sử và thủ phủ của tỉnh, cũng là thành phố lớn nhất của tỉnh bang Newfoundland and Labrador với khoảng 210.000 dân.

Nền kinh tế của Newfoundland and Labrador chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Ngành công nghiệp đánh bắt cá từng là trụ cột kinh tế nhưng đã suy thoái kể từ năm 1989 do nguồn cá bị cạn kiệt. Mặc dù tỉnh đã phát triển các kỹ thuật và chiến lược mới, nhưng ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tất cả công dân và thường trú nhân dưới 20 tuổi được học tập miễn phí cho đến hết cấp ba ở trường công. Newfoundland and Labrador cũng có chương trình đào tạo nghề toàn diện cho các ngành nghề sau trung học, giúp mọi người dễ dàng hòa nhập vào thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục sau phổ thông công lập của tỉnh bang gồm có Đại học Newfoundland Memorial, Cao đẳng North Atlantic, học phí trung bình thấp thứ hai cả nước, khoảng 2.600 USD/năm. Ngoài ra, Newfoundland and Labrador còn có các trường cao đẳng nghề do chính phủ điều hành.

Tỉnh bang Nova Scotia

Nova Scotia là một tỉnh bang nằm ở miền đông Canada, là một bán đảo nhô ra Đại Tây Dương với diện tích khoảng 55.000 km², dân số 923.598 người tính đến năm 2016. Đây là tỉnh có mật độ dân số cao thứ hai ở Canada. Tên Nova Scotia nghĩa là “Scotland mới” trong tiếng Latin, được đặt lần đầu tiên trong Hiến chương Hoàng gia năm 1621.

Tỉnh Nova Scotia được bao quanh bởi Đại Tây Dương, có nhiều vịnh và cửa sông. Đảo Cape Breton và Đảo Sable cũng là một phần của Nova Scotia. Nova Scotia nổi tiếng với các hóa thạch cổ, tại Blue Beach và Joggins Fossil Cliffs trên bờ Vịnh Fundy là nơi có nhiều hóa thạch cổ carbon.

Nova Scotia có khí hậu trung du, ảnh hưởng bởi biển nên mùa đông và mùa hè không quá khắc nghiệt như khí hậu lục địa. Nhưng mùa đông Nova Scotia vẫn đủ lạnh để được phân loại là khí hậu lục địa. Khí hậu của Nova Scotia tương tự như bờ biển Baltic ở Bắc Âu nhưng có lượng mưa và tuyết nhiều hơn.

Mặc dù Nova Scotia có nhiều dãy núi ở phía Nam, những khu vực không giáp bờ biển Đại Tây Dương có mùa hè ấm áp hơn và mùa đông thấp hơn một chút so với khu vực nội địa. GDP bình quân đầu người của Nova Scotia năm 2010 là 38.475 đô la, thấp hơn mức trung bình quốc gia là 47.605 đô la, chưa bằng một nửa mức của tỉnh giàu nhất Canada, Alberta.

Tăng trưởng GDP của Nova Scotia đã tụt hậu so với phần còn lại của Canada trong ít nhất một thập kỷ qua. Mặc dù vậy, Nova Scotia vẫn là một tỉnh có sức hấp dẫn riêng nhờ cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và môi trường sống thân thiện, thu hút nhiều du khách và người dân đến sinh sống.

Tỉnh bang Ontario

Ontario là tỉnh bang lớn thứ hai của Canada với diện tích hơn 1 triệu km², lớn hơn cả Pháp và Tây Ban Nha cộng lại. Ontario giáp phía đông Quebec, phía tây Manitoba, phía bắc Hudson Bay và James Bay, nằm cạnh phía nam sông St. Lawrence và Great Lakes.

Dân số Ontario gia tăng chủ yếu do nhập cư, với 40% trong số 250.000 người nhập cư vào Canada mỗi năm. Toronto, thành phố lớn nhất của Ontario, là thành phố đa văn hóa nhất thế giới, với hơn 100 ngôn ngữ và tiếng địa phương, có tiếng Anh, Trung, Ý, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại Ontario, nhưng cộng đồng Pháp ngữ cũng khá nhiều . Tiếng Pháp được sử dụng trong luật pháp và giáo dục, các dịch vụ công cộng thường sẽ sử dụng cả hai ngôn ngữ. Đa phần người dân nói được tiếng Anh, nên sinh viên quốc tế chỉ cần chuẩn bị tốt kỹ năng tiếng Anh để du học.

Con người Canada nói chung và người dân Ontario nói riêng rất hiền hòa và mến khách, luôn nhiệt tình giúp đỡ sinh viên quốc tế.

Tỉnh bang Prince Edward Island

Prince Edward Island (PEI) là tỉnh bang nhỏ nhất Canada về diện tích và dân số, nhưng có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành Liên bang Canada. Nằm trong chuỗi Canadian Maritime, PEI sở hữu nhiều phong cảnh nên thơ và thời tiết dễ chịu, với nhiệt độ mùa hè từ 20°C đến 30°C và mùa đông từ 2°C đến -5°C nhờ dòng hải lưu nóng.

Đảo Hoàng tử Edward, được đặt theo tên của Hoàng tử Edward Augustus, Công tước của Kent và Strathearn, có diện tích 5.660 km² và nằm ở vĩ độ 46-47° bắc và kinh độ 62-64°30′ tây. Thủ đô của PEI là thị trấn Charlotte và ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Dân số của tỉnh bang vào năm 2019 là 156.947 người.

PEI hiện thu hút nhiều công ty công nghệ lớn nhờ vào chính sách thuế và trợ cấp phúc lợi hấp dẫn. Các công ty như CGI, Ceridian, và Invesco đã đặt trụ sở tại đây, hưởng lợi từ môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nền kinh tế của PEI không ngừng phát triển, với GDP tăng trưởng 2,6% vào năm 2018 và 3,2% vào năm 2019, cao nhất trong số 10 tỉnh bang của Canada. PEI cũng là tỉnh bang duy nhất của Canada có mức tăng GDP liên tục hàng năm từ 2007.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020, PEI có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất Canada, theo Cục Thống kê Lao động Canada.

Tỉnh bang Quebéc

Quebec là một tỉnh bang tự trị của Canada, nổi tiếng với những đặc trưng trong kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây cũng là một trong những tỉnh bang được nhiều người Việt chọn làm nơi định cư. Quebec có ngôn ngữ, văn hóa và các thể chế chính trị độc lập, nên có sức hấp dẫn riêng, thu hút nhiều học giả, người dân đến tìm hiểu và sinh sống.

Với diện tích khoảng 1,5 triệu km², Quebec là tỉnh bang lớn nhất Canada, gấp 3 lần nước Pháp và 7 lần nước Anh. Quebec giáp phía Tây Ontario và vịnh Hudson, giáp phía nam của các tiểu bang nhỏ Hoa Kỳ và một phần New York, giáp phía Đông New Brunswick. Dân số khoảng 7,8 triệu người, đứng thứ hai sau Ontario về dân số.

Thành phố Quebec là thủ phủ của tỉnh bang Quebec, người châu Âu đầu tiên đến tỉnh bang này là nhà thám hiểm Jacques Cartier. Dưới thời vua Louis XII và Louis XIV, trước khi Quebec trở thành một tỉnh của Pháp, Pháp đã xâm chiếm và biến Quebec thành thuộc địa.

Quebec sở hữu tài nguyên phong phú với hàng nghìn con sông, hơn 1 triệu hồ chứa tự nhiên và hơn một nửa diện tích là rừng rậm. Tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất cũng rất dồi dào, tạo nên một nền kinh tế vững chắc và đảm bảo cuộc sống cho gần 8 triệu dân.

Chính phủ Canada đã công nhận Quebec là một quốc gia độc lập vào ngày 23 tháng 11 năm 2006. Quebec vẫn trực thuộc Canada nhưng có sự tự chủ về ngôn ngữ, văn hóa và chính trị.

Tỉnh bang Saskatchewan

Saskatchewan là một tỉnh bang miền tây Canada và là một trong ba tỉnh bang của vùng Prairie. Được mệnh danh là “vựa lúa mì” của Canada, Saskatchewan nổi tiếng với các thảo nguyên và cánh đồng lúa mì bạt ngàn. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và trữ lượng uranium lớn nhất thế giới. Saskatchewan có biên giới giáp với Manitoba, Alberta, Northwest Territories và các bang Bắc Dakota, Montana của Hoa Kỳ.

Diện tích Saskatchewan là 651.900 km², hình dáng khi nhìn từ trên cao gần giống như hình chữ nhật, địa hình Saskatchewan hầu như rất bằng phẳng với một số ít đồi thấp. Do nằm sâu trong đất liền, khí hậu ở đây lạnh hơn các tỉnh bang khác, trừ các lãnh thổ phía Bắc. Mùa đông, nhiệt độ xuống đến -50°C, tuyết rơi dày, gió mạnh và buốt, thường xuyên có bão tuyết. Vì thế, dân số của Saskatchewan rất khiêm tốn, chỉ có khoảng 1 triệu người, chiếm 3,6% dân số Canada.

Saskatchewan là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc, minh chứng cho câu nói “Sức mạnh đến từ nhiều dân tộc”. Bộ Giáo dục Saskatchewan quản lý các trường tiểu học và trung học công lập, gồm có các trường thế tục và trường riêng biệt. Có các trường dạy tiếng Pháp và các cơ sở giáo dục sau trung học. Người dân Saskatchewan đến từ nhiều nền văn hóa trên thế giới, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa.

Saskatchewan là tỉnh bang nổi tiếng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu khắc nghiệt nhưng giàu bản sắc văn hóa và tiềm năng kinh tế, thu hút nhiều người đến sinh sống và làm việc.

Vùng lãnh thổ Northwest Territories

Northwest Territories (NWT) là một trong ba vùng lãnh thổ của Liên bang Canada với diện tích 1.346.106 km² và dân số khoảng 45.000 người. NWT nằm ở phía bắc Canada, giáp Yukon ở phía tây, Nunavut ở phía đông, và các tỉnh British Columbia, Alberta, và Saskatchewan ở phía nam. Vùng lãnh thổ này có các địa danh nổi bật như Hồ Great Bear, Hồ Great Slave, sông Mackenzie, và khu bảo tồn vườn quốc gia Nahanni.

Lịch sử của NWT bắt đầu với sự xuất hiện của các quốc gia First Nation và Inuit trước khi người châu Âu đến buôn bán lông thú và thăm dò các tuyến thương mại mới. Năm 1670, Công ty Hudson Bay được thành lập và sử dụng khu vực này để giao dịch. Năm 1870, NWT chính thức thuộc thẩm quyền của Chính phủ Canada. Sau đó, một phần lãnh thổ được tách ra để thành lập Nunavut vào năm 1999.

Kinh tế của NWT chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như vàng, kim cương, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Năm 2020, GDP của NWT là 3,92 tỷ CAD và có GDP bình quân đầu người cao nhất Canada, khoảng 105.000 CAD năm 2018. Du lịch cũng là ngành quan trọng, với nhiều du khách đến xem cực quang và tham quan các công viên quốc gia.

Về chính trị, NWT có ít quyền hơn so với các tỉnh bang khác và không có các đảng chính trị. Hội đồng lập pháp gồm 19 thành viên bầu thống đốc và phát ngôn viên. Northwest Territories được chia thành năm khu vực hành chính: Dehcho, Inuvik, North Slave, Sahtu, và South Slave.

Vùng lãnh thổ Nunavut

Nunavut là vùng lãnh thổ có diện tích lớn nhất Canada, với 2.038.722 km² và dân số khoảng 39.706 người. Tên gọi “Nunavut” nghĩa là “đất của chúng ta” trong tiếng Inuktitut. Nunavut có lịch sử phát triển lâu đời, khi người Inuit đến đây và định cư từ khoảng 4500 năm trước. Người Thule, tổ tiên của người Inuit hiện đại, di cư vào khu vực này từ thế kỷ 11. Nunavut chính thức được thành lập vào ngày 01/04/1999 sau khi tách ra từ tỉnh bang Northwest Territories.

Về địa lý, Nunavut gồm có một phần lục địa, các quần đảo Bắc cực và tất cả các hòn đảo trong vịnh Hudson, vịnh James và vịnh Ungava. Nunavut có khí hậu vùng cực trên hầu hết diện tích lãnh thổ, mật độ dân số rất thấp, chỉ 0,019 người/km². Điểm cao nhất là đỉnh Barbea trên đảo Ellesmere.

Nền kinh tế của Nunavut chủ yếu dựa vào khai thác mỏ, thăm dò dầu khí, thủ công mỹ nghệ, săn bắn, câu cá và du lịch. Các ngành nghề như giáo dục, nghiên cứu và giao thông cũng đóng vai trò quan trọng. Nunavut có ba vùng mỏ lớn đang hoạt động: mỏ vàng Meadowbank, mỏ sắt Mary River và mỏ vàng Doris North.

Về chính trị, Nunavut có một Hội đồng lập pháp đơn viện, thành viên được bầu không theo đảng phái. Thống đốc được bầu từ các thành viên của hội đồng lập pháp. Nunavut được chia thành ba khu vực hành chính: Kitikmeot, Kivalliq và Qikiqtaaluk. Văn hóa Inuit ở Nunavut rất phong phú, với các truyền thống âm nhạc và nghệ thuật độc đáo.

Vùng lãnh thổ Yukon

Yukon là vùng lãnh thổ nằm ở cực Tây Bắc của Canada, diện tích 482.443 km² và dân số khoảng 43.000 người. Tên gọi Yukon xuất phát từ Nữ hoàng Victoria khi vùng lãnh thổ này còn là thuộc địa của Columbia thuộc Anh từ 1858-1866. Người First Nations đã cư trú ở đây từ rất lâu trước khi người châu Âu đến. Yukon trở thành lãnh thổ riêng biệt vào năm 1898 sau cơn sốt vàng Klondike.

Địa lý của Yukon chủ yếu là đồi núi với nhiều sông hồ và khí hậu khắc nghiệt, có thể lạnh đến −63°C vào mùa đông. Điểm cao nhất Canada, núi Logan, nằm ở phía tây nam lãnh thổ, trong công viên quốc gia Kluane, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Kinh tế Yukon chủ yếu dựa vào khai thác mỏ, đặc biệt là vàng, chì, kẽm và bạc. Du lịch cũng là ngành kinh tế chủ lực của Yukon, với các hoạt động ngoài trời, đi bộ đường dài, câu cá và tham quan các khu di sản lịch sử từ thời kỳ cơn sốt vàng Klondike. Các ngành sản xuất như đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ cũng đóng góp đáng kể vào kinh tế Yukon.

Về chính trị, Yukon có chính quyền địa phương từ năm 1895 và trở thành lãnh thổ riêng biệt vào năm 1898. Năm 1979, quyền hành chính được chuyển từ ủy viên liên bang sang cơ quan lập pháp lãnh thổ. Yukon có hệ thống giao thông hiện đại với sân bay quốc tế và các đường cao tốc chính. Văn hóa Yukon phản ánh mạnh mẽ văn hóa thổ dân và di sản từ thời cơn sốt vàng, với nhiều sự kiện văn hóa và thể thao hàng năm.

Trên đây là những thông tin về 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ của Canada, mỗi tỉnh bang và cùng lãnh thổ đều sở hữu sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và địa lý riêng biệt, thu hút người nước ngoài đến nhập cư và sinh sống lâu dài.

Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết hơn về visa Canada, vui lòng liên hệ CVT để được hỗ trợ. CVT sẽ cung cấp cho bạn thông tin và hướng dẫn cụ thể để chuẩn bị và hoàn thành quy trình xin visa một cách tốt nhất.

Tin tức liên quan
  • THUMBNAIL 2 1
  • THUMBNAIL 2
  • THUMBNAIL
  • Cách chọn NOC phù hợp với nghề nghiệp của bạn
  • Hệ thống tính điểm mới cho thường trú nhân Alberta